Xây dựng chiến lược đưa nông sản 'lên sàn'

Thứ ba - 23/04/2024 23:41 245 0
Theo Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T Nguyễn Đình Tùng, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cần có sự sàng lọc, không phải sản phẩm nào cũng kinh doanh được trên sàn. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chiến lược cụ thể để đưa nông sản 'lên sàn' hiệu quả.
Cơ hội nhiều, khó khăn không ít
- Tiềm năng phát triển thương mại điện tử ở nước ta mở ra cơ hội như thế nào cho ngành nông sản, thưa ông?
Năm 2023, thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam với doanh thu 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Theo dự báo của Metric (một nền tảng số liệu thương mại điện tử - PV), doanh thu thương mại điện tử B2C (mô hình kinh doanh mà trong đó, doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng - PV) có thể đạt gần 650.000 tỷ đồng vào năm 2024.
Tiềm năng này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông sản. Từ sau đại dịch, phương thức giao dịch trên sàn thương mại điện tử ngày càng vượt trội, giúp doanh nghiệp nông sản chủ động hơn trong các đơn hàng nội địa lẫn xuất khẩu và tiếp cận với nhiều khách hàng mới. Hiện, Vina T&T Group đã đưa các sản phẩm như bưởi da xanh, dừa, xoài… lên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi cũng thực hiện livestream trên nền tảng Tiktok, nền tảng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ghi nhận kết quả khả quan. Người tiêu dùng ngày càng tiếp cận sản phẩm chất lượng cao, từ đó doanh thu của doanh nghiệp cũng tăng.
- Dù vậy, tiêu thụ hàng hóa qua sàn thương mại điện tử mới đạt 10% trong tổng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của cả nước. Tỷ lệ giao dịch nông sản trên sàn thương mại điện tử chiếm một phần khiêm tốn trong số đó. Đâu là rào cản, thưa ông?
- Nhìn nhận khách quan, thương mại điện tử mang đến nhiều cơ hội trong kinh doanh thì cũng kèm theo nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là tâm lý tiêu dùng. Đối với hoa quả tươi, việc đến tận nơi xem và mua giúp người tiêu dùng cảm thấy an toàn hơn so với việc đặt mua trên sàn thương mại điện tử. Chi phí bán hàng trên sàn cũng không nhỏ, có thể lên tới 30 - 40% chi phí giá của doanh nghiệp, bao gồm phí mở gian hàng, quản lý, vận hành, giao hàng...
Bên cạnh đó, các nền tảng, kênh bán hàng nông sản chưa có số lượng người theo dõi cao đột biến, người tiêu dùng thường tập trung vào những kênh về đồ gia dụng, mỹ phẩm... Và có một thực tế, khi đã lên sàn thương mại điện tử thì cơ hội sẽ như nhau nên cạnh tranh giữa các công ty rất lớn, chắc chắn sẽ có cuộc chạy đua về giá.
Thời gian qua, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ xây dựng phong trào các bạn trẻ khởi nghiệp bằng các sản vật đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, để duy trì không hề đơn giản. Bởi, khi đưa các sản phẩm lên sàn, người tiêu dùng có thể vẫn chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, OCOP 5 sao, 4 sao, 3 sao tiêu chí như nào - đây cũng là vấn đề nhiều trăn trở.
Ngoài ra, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và bán hàng trên sàn đều là nông dân, các hợp tác xã… nên khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Sàn thương mại điện tử cũng yêu cầu quy trình chặt chẽ, thủ tục pháp lý phức tạp nên nông dân và thương lái gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận.
Tập trung vào chất lượng nông sản
- Vậy để thành công trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề gì?
- Điều kiện tiên quyết nhất để gia nhập sân chơi nội địa và xuất khẩu chính là tập trung vào chất lượng nông sản, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc; mẫu mã, bao bì phải chuẩn chỉnh. Sản lượng tạo ra phải đồng đều, kể cả trái cây tươi hay các mặt hàng chế biến, khi đó mới tạo dựng được niềm tin cho người mua.
Đối với sản phẩm lên sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông tin hải quan từ sớm, cập nhật các thay đổi; xác thực và đánh giá doanh nghiệp uy tín trên các trang chính thống từ các nước nhập khẩu và các trang thương mại điện tử.
 
Điều kiện tiên quyết để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là tập trung vào chất lượng. Nguồn: ITN

Để đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, cần tập trung đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người nông dân, các hợp tác xã… Ngoài ra, phải có những câu chuyện đặc trưng về OCOP. Ví dụ, tại sao dừa Bến Tre ngon, hay nhãn lồng Hưng Yên và thanh nhãn Hậu Giang khác nhau như thế nào? Những sản phẩm có câu chuyện sẽ xây dựng được thương hiệu và người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhớ đến sản phẩm đó hơn.
- Về phía cơ quan quản lý cần tập trung vào những giải pháp nào?
- Đưa nông sản lên sàn phải có sự sàng lọc, không phải sản phẩm nông sản nào cũng có thể kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Do vậy, tôi cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chiến lược cụ thể để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử hiệu quả. Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ của Bộ, những công ty quản lý nền tảng thương mại điện tử phải có chính sách ưu đãi, mở rộng để những mặt hàng nông sản đưa lên sẽ nhận được tương tác nhiều hơn. Đồng thời, sớm đồng bộ, thống nhất quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận công nghệ.
Bộ Công thương cần tiếp tục đưa ra nhiều chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Các tỉnh, thành phố có lợi thế về các mặt hàng nông sản trên cả nước cần đẩy mạnh hạ tầng trang thiết bị thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân... Cùng với đó, tăng cường tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin; tuyên truyền về thanh toán trực tuyến, lợi ích khi đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử.
- Xin cảm ơn ông!
                                             
 

Nguồn tin: daibieunhandan.vn (Đặng Công Hòa Chi cục PTNT sưu tầm)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây